Thị trường vốn của Việt Nam nhiều năm nay vẫn còn phụ thuộc vào nguồn tín dụng ở hệ thống ngân hàng. Do đó cần phát triển TTCK nhằm tạo ra kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, giảm áp lực cho các TCTD.
Nguồn tin trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ dẫn lời Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán nhà nước Trần Văn Dũng cho biết, trong năm 2018 vừa qua, TTCK là kênh huy động vốn hữu hiệu cho cả Chính phủ và khu vực tư nhân, được đánh giá là thị trường thành công nhất khu vực Đông Nam Á về huy động vốn trong năm 2018.
Tổng giá trị huy động vốn qua TTCK năm 2018 đạt hơn 278.000 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2017, trong đó Chính phủ huy động 192.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ và doanh nghiệp huy động được hơn 86.000 tỷ đồng.
Thông qua huy động vốn, các doanh nghiệp đã mở rộng sản xuất, kinh doanh và phát triển, giảm áp lực vay ngân hàng. Giá trị phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp đạt 64.900 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2017 và đấu giá cổ phần hóa đạt 21.400 tỷ đồng, tăng gấp 7,7 lần so với năm 2017.
Dòng vốn gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục vào ròng trên TTCK Việt Nam trong khi nhà đầu tư nước ngoài rút ròng ở các thị trường trong khu vực. Dòng vốn nước ngoài vào ròng trên TTCK vẫn duy trì ở mức cao (2,75 tỷ USD năm 2018 so với 2,92 tỷ USD năm 2017), thể hiện cầu đầu tư mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Lãnh đạo một số công ty chứng khoán, quỹ đầu tư cho rằng với những chỉ đạo và động thái từ phía Chính phủ thời gian qua tới TTCK đã là sự "động viên" rất lớn cho thị trường, tạo ra tâm lý ổn định của nhà đầu tư trong thời gian qua. Còn mức độ phát triển của thị trường trong thời gian tới hoàn toàn là do các chủ thể tham gia TTCK phải quyết định.
Tuy nhiên, các công ty chứng khoán mong muốn Chính phủ có chính sách đủ mạnh để TTCK có thể cạnh tranh được với ngân hàng thương mại cho huy động và cung cấp vốn cho nền kinh tế.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước xây dựng trình Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổng thể với tham vọng là cơ cấu lại và phát triển TTCK trước mắt tới năm 2020 và lộ trình tới năm 2025 chứ không phải "ăn đong" từng năm.
Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019 là Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua Luật Chứng khoán (sửa đổi) để tạo khung khổ pháp lý cho TTCK phát triển trở thành kênh huy động vốn trung- dài hạn, tận dụng tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế, tạo ra sự phát triển minh bạch, lành mạnh, an toàn bền vững, chuyên nghiệp tiếp cận thông lệ quốc tế, góp phần nâng hạng thị trường.
Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư tích cực góp ý giúp Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện luật ở các nội dung quan trọng như bổ sung phạm vi điều chỉnh cả công cụ chứng khoán phái sinh, trái phiếu Chính phủ, thí điểm TTCK chuyên biệt cho Start-up phát triển.
Phó Thủ tướng cũng đặt ra nhiệm vụ cho Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán phát triển thị trường cổ phiếu đạt quy mô 100% GDP vào năm 2020 và 120% GDP vào năm 2025, quy mô thị trường trái phiếu bằng 47% GDP vào năm 2020 và 55% GDP vào năm 2025. Số lượng công ty niêm yết năm 2020 tăng ít nhất 12% so với 2017, nhà đầu tư đạt 3% dân số vào 2020 và 5% vào 2025 (hiện nay chỉ 2,2%).
Thị trường vốn ở Việt Nam nhiều năm nay vẫn còn phụ thuộc vào nguồn tín dụng ở hệ thống ngân hàng. Theo số liệu của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, hiện nay tổng tín dụng được cấp qua kênh ngân hàng xấp xỉ 7,5 triệu tỷ đồng, tương đương với 130% GDP trong khi quy mô TTCK hiện tại chỉ ở mức 3 triệu tỷ.
Diệp Trần - Thành Chung
Theo Nhịp sống kinh tế